Ngày 21/2, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận đơn đề nghị và đơn xin cứu xét của ông Nguyễn Quang Tuấn – con trai bà Phương Hằng. Theo ông Tuấn cho biết, kể từ khi bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam đến nay, ông Huỳnh Uy Dũng và luật sư Danh Tín nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát trưng cầu giám định tâm thần đối với mẹ ông, với lý do đây là tình tiết để bảo lãnh và giảm nhẹ cho bà Phương Hằng. Trong đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh, ông Tuấn không đồng ý giám định và cho rằng, mẹ mình hoàn toàn đủ năng lực hành vi.
Việc con riêng bà Phương Hằng phản đối việc ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Phương Hằng) đòi giám định tâm thần cho mẹ mình đang được dư luận quan tâm. Nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra như ai là người có quyền giám định tâm thần, tài sản của người tâm thần do ai quản lý…

Ai có quyền giám định tâm thần đối với bị can?
Theo ý kiến của Luật sư, khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt buộc, đương nhiên phải giám định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội mà không phụ thuộc vào yêu cầu giám định của đương sự hay người đại diện của họ. Nói cách khác, đương sự, người đại diện của người bị buộc tội không có quyền yêu cầu giám định tâm thần đối với người bị buộc tội.
Trong trường hợp này, bà Phương Hằng đang là bị can trong một vụ án hình sự, hiện vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Do đó, nếu nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bà Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM sẽ trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà Hằng, chồng hay con của bà không có quyền yêu cầu giám định hay yêu cầu không giám định tâm thần đối với bà.
Ông Huỳnh Uy Dũng không có quyền yêu cầu giám định trong trường hợp này vì liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bà Hằng. Ông Dũng có thể làm đơn đề nghị nhưng đây chỉ là một trong những nguồn cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, còn việc có thực hiện giám định hay không là theo đánh giá và quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng tại từng giai đoạn tố tụng theo quy định pháp luật.
Chồng là người giám hộ đương nhiên nếu vợ bị tâm thần
Chúng ta cần phân biệt năng lực trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm dân sự. Cụ thể, việc giám định tâm thần đối với người bị buộc tội là nhằm xác định tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự của họ trong vụ án hình sự, hay nói cách khác là xác định mức độ, khả năng nhận thức, chịu trách nhiệm của họ đối với hành vi phạm tội tại các thời điểm trước, trong và sau khi họ thực hiện hành vi phạm tội.
Còn đối với khả năng có và thực hiện các quyền dân sự của người bị buộc tội (trong đó có quyền tài sản) thì được quy định bằng pháp luật dân sự. Cụ thể, nếu một người bị tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự (người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi) thì giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Như vậy, người chồng phải yêu cầu tòa án tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự. Lúc này, người chồng sẽ là người giám hộ đương nhiên, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của vợ.
Theo điều 47 Bộ luật Dân sự, một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu. Do đó, nếu người này có chồng, và các con thì người chồng là người giám hộ đương nhiên và duy nhất.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn:
CÔNG TY LUẬT TNHH NĂNG & PARTNER – Hotline: 0986.799.399; 0886.799.399
Website: dnlawfirm.com.vn
Email: ducnanglawfirm@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dnlawfirm.com.vn
Văn phòng tại Hà Nội: Số 22 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Chi nhánh tại Thái Nguyên: Số 360/1 Đường Bắc Kạn. Thành phố Thái Nguyên;
Chi nhánh tại Hải Phòng: Lô đất số 51 – N16 KĐT Gò Gai, thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.